Thứ Tư, 6 tháng 11, 2013

Việt Nam là nhà, đừng bơ

Việt Nam là nhà, đừng bơ
Photo: Saami Family

Việt Nam là Nhà, Việt Nam là một gia đình. Đã có ai từng nghĩ vậy chưa? Nếu chưa thì đã đến lúc rồi đấy.
Đã có quá nhiều bài báo và lời đồn của bọn nước ngoài về việc đất nước chúng ta đang rất là rối loạn, phần lớn dân chúng thờ ơ với mọi người xung quanh – với đất nước, học sinh đi học nhiều nhưng trình độ dân trí còn thấp. Tại sao vậy?
Bởi vì dân chúng Việt Nam thờ ơ. Còn tại sao thờ ơ thì là cả một quá trình dài…
Chẳng khó khăn gì để tìm thấy một bé gái dễ thương, xinh xắn học trường tiểu học chuẩn quốc gia ném một hộp sữa ra đường khi vừa uống xong, được má chở, không xuống xe được nên quăng mẹ nó xuống đường cho tiện.
Chẳng khó khăn gì để tìm thấy một vụ tai nạn giao thông trên đường mà 100 người bu chi có một người giúp và hai người hỗ trợ. 7 trong số 100 sẽ đứng đó còm men, đôi khi dở chứng tốt bụng sẽ gọi dùm xe cấp cứu. Số còn lại đứng dòm ngơ ngác (nếu tôi không muốn nói là thờ ơ và vô cùng vô cảm). Thấy tông xe thì đứng nhìn, về nhà kể, chi vậy? Được cái mẹ gì đâu?
Gặp bất cập, bất công trong xã hội thì nói là: Chừng nào đến lượt mình hẳn lo/ Không phải việc của mình/ Đừng lo chuyện bao đồng/ blah, bleh, bluh…
Xin lỗi nhá. Xã hội là tập hợp các mối quan hệ giữa con người với nhau. Khi một xã hội nát bét thì đừng mong là sẽ không đến lượt mình. Cứ ngồi đó thắp nhang đi, nếu thích.
Cho một ví dụ dễ thấy, với tình trạng cướp bóc hiện nay thì Việt Nam là địa ngục so với Hà Lan – 8 nhà tù đã phải đóng cửa do không có phạm nhân. Dân trí thấp, ăn trộm ăn cướp nhiều thì cứ xài Iphone là nó giật, đeo nhẫn kim cương thì nó chặt tay, hở một chút là mấy thằng du đãng nó chạy ẩu tông cho thượng lộ nằm im.
Nên đừng có bảo là chưa tới lượt hay không phải chuyện của mình. Đó là một không gian mà tất cả mọi người phải chịu đựng. Không khí mà ô nhiễm thì cả đám cùng hít chứ không riêng một thằng nào cả. Đừng có mong là sẽ gặp may mãi, có thể thoải mái không khi sáng đông đúc chạy ngoài đường, mới quẹt xe nhau nhẹ một cái là bị ăn chửi, hổ báo như trường mẫu giáo.
Có rất nhiều người tự cho rằng họ tốt. Ôi thôi! Cách mà họ cho rằng chỉ là sống yên phận chỉ biết riêng cho bản thân mình. Tại sao chỉ biết sống yên phận cho riêng mình? Bởi vì họ sợ rắc rối, họ sợ mệt mỏi, nguyên nhân sâu xa mà tôi cho là có thể lý giải cho việc này là : Lười. Đừng có nói với tôi dân Việt Nam có truyền thống chăm lao động. Đó chỉ là quá khứ thôi, giờ thì hết rồi. Giới trẻ Việt Nam hiện đại so với Hàn Quốc thì làm việc kém chuyên nghiệp, kém kỷ luật và lười hơn cả chục lần.
Chúng ta được học văn học qua rất nhiều tác phẩm, được dạy yêu nước, thương dân, kính trên nhường dưới, hiếu thảo với cha mẹ và cụ già các kiểu nhưng rất tiếc chúng ta không làm được. Người ta nói gia đình là tế bào của xã hội. Tế bào mà nát bét thì đố tìm ra một cơ thể khỏe mạnh. Nhà nào lo nhà đó, thầy cô thì dạy yêu nước thế này, phần lớn cha mẹ thì dạy con sống thế kia – không bon chen với đời, thì làm sao mà tạo ra tính nhất quán và niềm tin mạnh mẽ cho tụi trẻ được? Mà một khi đứng lưng chừng thì con người có xu thế thoái lui hơn là tiếp tục, bầy đàn đã thế, xã hội đã thế, cha mẹ nói thế, ngu gì mà xía vào chuyện xã hội cho mang họa vào thân. Đó là tư tưởng của đại đa số dân chúng Việt Nam này, một điều rõ như ban ngày, không cần phải chứng minh chi cho thừa thải.
Chẳng mấy ai có ý nghĩa “Việt Nam là nhà”. Tại sao tôi nhắc đến luận điểm này? Vì một khi người ta coi đó là nhà, là nơi để sống, để nói chuyện, để chia sẻ vui buồn, cười đùa, để yêu thương, để thư giản và các nhu cầu: ăn, ngủ, nghỉ, hưởng thụ thì họ chắc cú sẽ sống khác đi, sẽ sống có trách nhiệm. Tất cả mọi người đều yêu gia đình, đây là điều không thể chối cãi được. Nên nếu mỗi cá nhân tự coi rằng: Đất nước là nhà, Việt Nam là nhà, thì tự họ sẽ biết phải làm gì mà thôi. Không cần phải nói hay được dạy dỗ rằng “tôi yêu nước”, chỉ cần nói rằng “Việt Nam là nhà” thì mọi thứ sẽ khác. Trên một phương diện khách quan, ngôn ngữ chỉ là hình thức, nó không thật. “Tôi yêu nước”, “hãy yêu nước” là những từ không thật, không có khả năng tác động và thiếu tính ảnh hưởng. bởi vì nó quá nhàm, không còn ai muốn nghe. Nhưng một khi nhắc đến chữ “nhà” hay “gia đình” thì mọi thứ sẽ có chiều hướng khác.
Việt Nam là Nhà, Việt Nam là một gia đình. Đã có ai từng nghĩ vậy chưa ? Nếu chưa thì đã đến lúc rồi đấy.
“Thế giới đã chịu tổn thất quá nhiều, không phải bởi vì những kẻ xấu mà vì sự im lặng của người tốt.” – Napoleon
Nếu bạn nghĩ rằng, đợi cho đến khi chính trị, nhà nước, cán bộ thay đổi đã, rồi đất nước sẽ tự tốt lên thì tôi nghĩ bạn nên biến mất khỏi trái đất này được rồi đấy. Một người giỏi nhưng không chịu thể hiện, cạnh tranh, làm việc để cống hiến mà dành phần cho mấy thằng ngu làm, rồi sau đó sống chịu theo ảnh hưởng của mấy thằng ngu thì đó là một tội ác với mọi người xung quanh. Một người giỏi và tốt nhưng lại ở ẩn, không chịu giúp đời thì đó là một tội ác. Người giỏi ở ẩn thì chẳng giúp ích gì được cho đời có khác gì một con khỉ đu cây trong rừng đâu. Nhưng nó lại có một chút khác, vì nó là tội ác, nó ác hơn việc con khỉ đu cây. Trời phú ban cho cuộc sống 50% thiện, 50% ác. Thế mà cái thiện nó biến đâu mất, để bây giờ cái ác lan tràn, đánh chiếm tơi bời.
Một lần nữa, đừng có ai nói với tôi là đất nước đã thoát khỏi chiến tranh, xã hội chúng ta đang sống rất tốt đẹp, chỉ có một ít là trộm cắp và các tệ nạn khác. Mọi thứ mà những người tự che mắt mình đó thấy, cùng lắm chỉ là những hình thức mà thôi. Thử nhìn và ngẫm mà xem, nước thì ô nhiễm, đồ ăn thì toàn thuốc – toàn độc, phòng trọ cho sinh viên thì tồi tàn, con người đối xử với nhau lạnh lùng, nhỏ nhen. Một vụ tai nạn không phải là vấn đề, mà là cách mọi người nhìn vào tai nạn đó và hành xử mới là vấn đề. Để ý mà xem, nó tệ và phát tởm đến mức nào rồi ?
Tôi không cố ý dạy đời bất kỳ ai, tôi chỉ cố gắng nhìn nhận, đối mặt và nói ra sự thật. Đừng tự che mắt mình thêm nữa, gia đình của tôi ạ, anh chị em của tôi ạ. Hãy chung tay giải quyết tất cả các bất công gặp phải hàng ngày, đôi khi không phải là đấu tranh bằng hành động mà còn là đấu tranh trong tư tưởng nữa.
Việt Nam là nhà của chúng ta, Việt Nam là một gia đình. Chúng ta không thể nhìn gia đình mình gặp nạn mà không cứu, gặp khó khăn mà không giúp đỡ được, phải không ?
Cứu đi, làm gì đó đi, gì cũng được, và đừng bao giờ bỏ cuộc hay thoái lui – điều đó hèn nhát. Mỗi khi chán nản, hãy nghỉ ngơi, tôi và nhiều người khác sẽ làm phần việc đó giúp bạn. Trong khi đó, hãy nạp lại năng lượng và nghĩ lại lý do của ngày đầu : Vì sao tôi lại chiến đấu và đóng góp tích cực để bảo vệ, xây dựng Việt Nam – gia đình của tôi ? Nhé !
Mọi người là anh em một nhà, cụ già đều là ông bà, và người lớn đều là cha mẹ của chúng ta. Hãy thử nghĩ và sống như thế đi. Thờ ơ chắc chắn sẽ không còn nữa. Nó không quá khó đâu, ít nhất thì tôi thấy nó cũng không khó như việc học lịch sử và văn học và các cụm từ thuộc lòng như “yêu nước”, “yêu thương”, “kính trọng”. Tôi thấy nó dễ hiểu và dễ cảm nhận hơn nhiều.
Việt Nam bây giờ đã đạt chỉ số “dân số vàng” rồi. Thời hoàng kim đã đến rồi, còn chờ gì nữa, bây giờ không làm thì bao giờ nữa đây?
Văn đã dài rồi, viết sao chi hết. Thôi thì tạm dừng bút ở đây.
Một câu nói mà tôi luôn muốn nói với tất cả mọi người : Đã đến lúc, đã đến lúc rồi đấy, làm đi thôi, làm đi thôi !
Ai có muỗng dùng muỗng, ai có tai dùng tai, ai có tóc dùng tóc, ai có răng dùng răng, ai có chữ dùng chữ, ai có thể nói hãy nói…
Đã đến lúc
Đã đến lúc rồi
Nước Việt Nam
Một gia đình
Đừng bơ
Gia đình,
Đừng thờ ơ…

-Lục Phong-

Thứ Ba, 5 tháng 11, 2013

Sự thật về thành công, sự lười biếng hoặc chăm chỉ


Sự thật về thành công, sự lười biếng hoặc chăm chỉ

“Bạn có muốn mỗi sáng mai thức dậy là một ngày vui vẻ, bật dậy khỏi giường với một niềm hứng khởi với đam mê của mình?”
“Bạn có muốn có một cuộc sống sung túc hơn, tươi đẹp hơn?”
“Bạn có muốn mua những món đồ mình thích mà không phải đắn đo?”
“Khóa đào tạo kỹ năng mềm, nghệ thuật giao tiếp trước đám đông, và một cuộc sống tích cực hơn”…
Blah..blah…blah…
Đó là những câu nói cửa miệng của các diễn giả dỏm, của các sách làm giàu thị trường, của những tổ chức dạy kỹ năng mềm – dạy người ta giả tạo…
Các bạn biết đó! Gần đây đã có quá nhiều sách thị trường xuất hiện, tổ chức giáo dục với mục đích kinh doanh trục lợi là chính, nó thật xấu xí. Những sách dạy làm giàu, sách dạy kinh doanh, sách dạy thành công được PR rất nhiều, và đương nhiên việc những quyển sách này trở thành best seller là chuyện thường…
Tôi không cố tình hay có ý bác bỏ các sách này, nhưng với quan điểm của một người đọc vài chục cuốn cũng vì tò mò, thì tôi thấy nó dễ làm người ta đi chệch hướng trong việc hướng đến một cuộc sống hạnh phúc đích thực hơn là sống tốt…
Làm giàu là tốt đấy chứ, nhưng một quyển sách chỉ dạy người ta làm giàu dễ gây lầm tưởng cho người trẻ, những người bồng bột ham muốn thành công, thích giàu có, thích vật chất…Và thế là người trẻ lao đi làm giàu trước khi tìm ra ý nghĩa thực của cuộc đời họ. Nên nhớ rằng, giàu vật chất không phải là đích đến và là ý nghĩa thực của cuộc sống, đơn giản vì nó sẽ mất. Đi tìm và theo đuổi một thứ trước sau gì cũng mất và cũng bỏ ta mà đi, đó là sự hoang phí cuộc sống.
Vật chất và tiền bạc không phải là thứ để chúng ta đem ra bác bỏ. Nhưng việc hiểu rõ nó là hoàn toàn cần thiết. Giàu có vật chất sẽ lấy đi của bạn một số điều gì đó, tình thương chăng, có thể lắm chứ; khám phá lũ côn trùng ư, cũng có thể; lấy đi tuổi trẻ thích phiêu du bốn bể chăng, cũng có thể…
Phần lớn người trẻ thường mất bình tĩnh và chói lóa trước vàng bạc, kim cương, những lời nói hoa mỹ, những lời kêu gọi hay ho, và thế là họ tham gia vào cái vòng xoáy kinh tế, vòng xoáy của thị trường, vòng xoáy của thời gian trôi…
Hãy nghiêm túc đi! Hãy nghiêm túc làm những gì mình thực sự thấy có ý nghĩa cho đời mình, thay vì những ao ước chung chung và bề mặt như có một cuộc sống giàu sang, thu nhập cao, trở thành giới thượng lưu…
Tôi đã nghe ở đâu đó câu nói này: “Tôi đã từng thấy những người rất nghèo, thứ họ có chỉ là tiền.”
Bình tĩnh lại đi. Thành công là gì? Thành công nhất thiết phải làm bạn hạnh phúc, hạnh phúc với mỗi phút giây đang sống, với cả cuộc hành trình sống này. Thành công không thể biết qua đồng tiền, vì thế những diễn giả có xu hướng gắn thành công với sự giàu có đều là bịa đặt.
Các sách dạy thành công, các diễn giả này thật xấc xược khi bảo rằng bạn hãy đặt ra những mục tiêu, hãy viết ra những mục tiêu bằng MindMap, và kiên trì lao đến để giành giật cho chính mình. Quá hỗn láo! Khi một con người chưa được dạy, chưa được hướng dẫn, chưa có được ý thức cá nhân về điều mình cảm thấy có ý nghĩa, thì việc đặt ra những mục tiêu là điều nhảm nhí vô cùng. Một người không có biết đường đi nhưng vẫn biết rõ nơi đến? Quá là lố bịch!
Họ bảo rằng hãy sống bật dậy mỗi sáng với đam mê! Ôi! Bật dậy mỗi sáng! Bất cứ ai nói câu này đều đáng bị cho ra rìa của những kẻ ngu dốt thích ảo tưởng. Đam mê không có nghĩa là sáng nào cũng bật dậy làm với niềm hân hoan vô độ, mà là ngay cả khi chán ngán nhất cũng không bao giờ từ bỏ, chán nhưng vẫn làm, đó mới là tình yêu, mới là đam mê, mới là niềm yêu thích.
Họ bảo rằng, hãy kiên trì, hãy chăm chỉ, hãy cố lên! Tôi hỏi, động lực là gì? Động lực là tiền ? Là chu cấp vật chất cho những người mình yêu thương ? Là vì một tương lai tươi sáng? Quá nhảm nhí! Động lực không phải là lý trí, nếu bạn không tin cứ tự kiểm chứng, bất cứ ai tạo động lực bằng lý trí sẽ sớm tạo thêm nhiều stress cho mình. Vì vốn động lực là đến từ trái tim, là đến từ ý nghĩa, là đến từ cảm xúc…Trừ khi bạn yêu việc mình đang làm, còn bằng không, sẽ không có một động lực nào hết. Ham muốn vật chất không phải là tình yêu, đó là sự tham lam. Ham muốn địa vị, đó không phải là tình yêu, đó là sự tham lam, là cái tôi.
Ham muốn chính là lý do làm người ta lười. Với tôi thì không có ai vô tình lười, trừ phi họ cố tình. Khi người ta yêu việc mình làm, họ không bao giờ lười, họ thích thú! Khi người ta yêu nhau ở giai đoạn đầu, người ta không lười, người ta chăm dẫn nhau đi chơi hết nơi này đến nơi nọ, hết câu chuyện vui này đến chuyện vui kia, hết đùa giỡn lại nằm ra bãi cỏ tâm sự. Hãy nhớ, tình yêu không bao giờ làm người ta lười, chỉ có tham lam và cái tôi làm người ta lười biếng.
Với tôi thì không có ai lười, họ chỉ chăm làm cái này và lười làm cái khác. Các nhà khoa học cũng lười ! Họ lười nghe người khác nói khích, họ cũng lười tán gẫu và bông đùa, nhưng họ chăm nghiên cứu. Thằng nhóc chơi điện tử, nó không lười, nó chăm chơi game. Siêng và lười là một. Nhưng làm sao để siêng đúng cái mình cần, và lười đúng cái mình không cần, thì phải tự đi hỏi bản thân mỗi người : Tình yêu trong họ là gì ?
Hãy nhớ, tình yêu không làm người ta lười, không làm người ta bỏ cuộc, không làm người ta thất vọng, bởi vì tình yêu như ánh mặt trời, luôn đẹp, luôn ấm áp…
Hãy dậy thật sớm, ngắm ánh mặt trời…
Hãy phiêu du lên những ngọn núi nếu bạn thích…
Hãy viết, nếu bạn muốn viết gì đó…
Hãy làm bất cứ thứ gì trong trái tim bạn thấy muốn, vì một ngày nào đó, tất cả mọi thứ sẽ liên kết lại với nhau, và bạn sẽ biết mình là ai trong cuộc đời này. Ý nghĩa của cuộc đời bạn lúc đó cũng sẽ bắt đầu nảy mầm từ trong tâm tưởng…
Hãy bỏ thời gian ra tìm hiểu chính mình, hãy bỏ ngoài tai lời người khác nói, dù là Napoleon Hill, Billgates, Steve Jobs, hãy bỏ đi những tham lam, hãy bỏ hết ! Chỉ còn bạn và cái đầu rỗng không, như cốc nước rỗng không ! Nó có thể sẽ hứng được một ít nước phép từ trên trời rơi xuống…
Hãy làm công việc vốn dành cho bạn ! Nó sẽ hòa làm một với bạn, và chắc chắn một ngày bạn sẽ trở nên thuần thục về nó, bạn sẽ giỏi…Ngày đó sẽ đến… !
Featured image: Przystani Miłosierdzia

HỆ THỐNG GIÁO DỤC Ở VIỆT NAM


Mình sẽ không để cho con cái học theo hệ thống giáo dục Việt Nam
Trước khi viết bài này có một điều chắc chắn là mình sẽ không để cho con cái mình học theo hệ thống giáo dục của Việt Nam. Thậm chí là không cho con đi học cấp 1,2,3 và đại học như thông thường. Nhưng mình vẫn tự tin khẳng định rằng con của mình sẽ tài năng hơn bố mẹ nó rất nhiều vì ít nhất nó được thừa hưởng những tố chất từ bố mẹ và định hướng được giáo dục khác đi ngay từ nhỏ.

Truyền Thống

Nhà nước sinh ra hệ thống các trường cấp 1,2,3 và đại học, phụ huynh nghĩ rằng đó là giáo dục tốt nhất và con em chúng ta bị nhồi nhét vào đó học như một bổn phận hiển nhiên. Rồi mọi sự đánh giá năng lực dựa trên điểm số và thế là cái mục tiêu học điểm, chạy điểm, mua điểm xuất hiện ở con em như là mục tiêu trong cuộc sống để luôn giữ hình ảnh là con ngoan con giỏi trong mắt bố mẹ. Các bậc phụ huynh cũng sinh ra cái tính thể hiện sĩ diện với phụ huynh khác nên chỉ còn cách duy nhất bắt con em mình học hành tử tế, thậm chí là nhồi nhét tư tưởng vào con cái học hành là tất cả, là cuộc sống ổn định là tương lai sáng lạn.
Trong quá trình học tiếng anh tôi có biết tới một câu chuyện thế này. Một cô gái ngoan tên là “Thảo Hương” (tên nhân vật thay đổi theo cách mà tôi muốn đặt), tất nhiên là cô gái rất hiếu thảo luôn tuân theo các nguyên tắc của bố mẹ và hiển nhiên bố mẹ cô luôn tự hào vì trên trường cô toàn đặt điểm A, không B không C, D hay F. Khi ra trường cô có một công việc ổn định với số tiền đủ sống và cô là một nhân viên tốt, một nhân viên luôn tuân theo các quy tắc trong của cty. Nhưng tới một ngày chuyện không may xảy ra cô bị sa thải, cô đã rất sốc và liền chạy ngay tới chỗ ông chủ của mình để hỏi vấn đề. Ông chủ đã nói thế này “Thảo Hương, cô là một nhân viên tốt nhưng cô không để lại dấu ấn gì, không có gì đặc biệt, không một chút thú vị còn chúng tôi phải cắt giảm chi phí.” Thảo Hương đã khóc thật nhiều, đã tự dằn vặt bản thân, cô không hiểu chuyện gì đã xảy ra, đã có vấn đề gì với mình…
Quay lại cuộc sống sinh viên chắc không cần nói thì các bạn đã trải qua đủ hiểu nó như thế nào rồi nhỉ, những ngày giống nhau, môi trường cũ, con người cũ, ngôi trường cũ…Đa phần nghĩ rằng chúng ta được học đại học đã hơn rất nhiều bạn bè cùng trang lứa ở quê, đã là câu chuyện của bố mẹ kể để tự hào. Rồi họ mơ tưởng hão huyền rằng mình sẽ có một công việc ổn định như tư tưởng của bố mẹ để ngày ngày họ thoải mái với việc đến trường chém gió và về nhà online, thoải mái với việc học điểm và thế là tất cả không làm thêm không giao du bên ngoài không có những kỹ năng sống thật sự cần thiết và tất nhiên họ luôn ăn bám vào bố mẹ một cách hiển nhiên. Nhưng tiếc rằng cái xã hội các bạn đang sống không phải là cái thế giới bố mẹ các bạn ấy đang ở… Còn thực tế thì chỉ có những bạn ra trường rồi mới hiểu thế nào là ngộ nhận, là lầm tưởng là khắc nhiệt là vấn đề cơm áo gạo tiền và mưu sinh.
Phải nói tới cái việc to nhất và khiến sinh viên mệt mỏi nhất là mùa thi: Khắp nơi nơi từ facebook tới tin nhắn đều thấy kêu ca thi cử. Để hi vọng mình có thể qua kì thi, điểm cao, phẩy cao thế là hoách lắm với bạn bè. Cái sứ mệnh lớn nhất của họ là vượt qua những kì thi, là bằng khá giỏi này nọ. Để cuộc sống của mình vui buồn phụ thuộc vào kết quả học hành. Học để thi điểm cao khác hẳn với việc học để kiếm được một công việc ngon lành đấy. Còn sự thật về cái xã hội bạn đang sống thì bị thờ ơ một cách mơ hồ mà thay vào đó là vấn đề thi cử chiếm hết tâm trí bạn rồi. Muốn thể hiện năng lực của mình thì đừng vào làm nhà nước các bạn ạ, còn muốn vào làm nhà nước thì mới học vì điểm.
Gần đây tôi có tâm sự với một bạn trên tôi 1 tuổi về vấn đề sinh viên sau khi ra trường. Tôi thực sự rất buồn về cuộc sống chật vật mưu sinh trên đất Hà Nội 1,2 năm đầu ra trường của sinh viên. Lúc đầu ai cũng hứng khởi tìm việc với hi vọng có thể bám trụ ở đất Hà Nội. Nhưng sau 2 năm thì họ thật sự không chịu nổi cảnh khác nhiệt ở thế giới thực nơi mà bằng giỏi không phải là tấm thẻ bảo đảm sự an toàn. Có nhiều bạn bằng giỏi cũng không thể trụ nổi rồi họ cũng về quê làm nhà nước từ bỏ bao ước mơ và hoài bão lớn, rồi lập gia đình và hai chữ ‘’ ổn định’’ được họ tôn sùng.

Tại sao mình vẫn còn ăn bám vào bố mẹ? Tại sao mình vẫn phải sống mãi như thế này?

Một số bạn sinh viên đã thực sự hỏi mình như thế sau bao chán trường với sự học với cuộc sống bế tắc.
Có phải vì rào cản gia đình quá lớn, các bạn sợ bố mẹ thất vọng sợ hành động đi ngược với sự kì vọng của bố mẹ với lề lối thông thường.
Hay các bạn sợ mình không có điểm chung với bạn bè? Sợ bị soi mói sợ học hành điểm kém bị các bạn coi thường…
Sinh viên chúng ta bị ảnh hưởng nặng bởi tư tưởng của bố mẹ, họ sống và làm theo tư tưởng đó. Thậm chí là học trường nào cũng do bố mẹ chọn mà quên đi rằng bố mẹ có sống hộ chúng ta đâu. Để rồi ngày ngày chăm chỉ học hành và cũng mong muốn một cách mong manh rằng rồi sẽ có một công việc ổn định sau khi ra trường như y cái suy nghĩ của bố mẹ tạo ra cho mình…cuộc sống của sinh viên cứ mãi tiếp tục theo dòng chảy tư tưởng của bố mẹ…để rồi cuộc sống khó khăn hơn những gì họ nghĩ.

Bạn có dám khác biệt?

Ở một thế giới khác, nơi những con người năng động hơn, họ biết suy nghĩ của số đông, kết quả của số đông nên họ nghĩ khác đi một chút. Là sinh viên chúng ta lớn rồi, qua cái tuổi 18 là có thể tự lập được rồi tại sao vẫn đợi chờ hàng tháng tiền gửi từ bố mẹ. Hay họ có thể nghĩ xa hơn là dù thế nào chúng ta ra trường cũng đi làm tại sao không đi từ bây giờ để sau này ra trường không bị bỡ ngỡ? Và họ đã đi làm với 2 mục đích đó. Và chí ít thì họ cũng có một cái gì đó hơn là không làm gì. Có trải nghiệm, có làm vẫn có hơn.

Những chuyện tất yếu xảy ra

Bạn sẽ làm gì khi bố mẹ phát hiện bạn đi làm thêm và sao nhãng việc học hành ? Một số người quay đầu lại cái vỏ bọc an toàn, một số người vẫn tiếp tục bước tiếp và hơn ai hết họ hiểu được cuộc sống muốn gì cần gì và hiểu bản thân mình cần phải làm gì…
Học ở trên trường không thôi không đảm bảo cho bạn có một cuộc sống thoải mái, thực tế là hàng năm sinh viên ra trường thất nghiệp , nhiều bạn chấp nhận làm với mức lương bèo bọt với công việc đơn giản tới mức học sinh cấp 2 cũng có thể làm được. Nó không đồng nghĩa với việc không cần phải học đại học, bởi không học bạn sẽ làm gì? bạn có dám đánh đổi. Bạn có hiểu được mình và con đường đi trước mắt một cách rõ ràng?

Vậy sinh viên chúng ta nên làm gì ?

Ai cũng biết rằng là nên ra ngoài trải nghiệm, tìm một công việc để làm nhưng chỉ bấy nhiêu thôi không đủ để bạn trưởng thành không đủ mạnh để không bị thổi bay trong cái xã hội luôn có sự đào thải hàng ngày này. Có khi nào bạn đã tham gia làm ngoài rồi, học hành không tốt rồi bạn trở nên chán nản? vì chả làm được quái gì ra hồn? Và nếu quay lại học hành chỉ biết học thôi liệu bản có không khỏi chán nản? Có khi nào bạn nghĩ làm thế nào để thoát khỏi vòng luẩn quẩn?

Thế nào là sống khác đi?

Là cá tính và trở nên khác biệt? Là làm những việc không giống ai, không cần phải để ý đến ai và trở nên quái dị trong mắt bạn bè? không phải vậy các bạn ạ. Muốn sống khác đi để tạo sự khác biệt thì bạn phải thật sự hiểu đám đông đang nghĩ gì, làm gì và đừng làm giống họ.
Mình không thích ăn sẵn, thích tìm tòi khám phá và mình mong bạn cũng vậy bởi chả có ai có thể trả lời chính xác cho câu hỏi của bạn hiện tại ngoài chính bạn, vì vậy các bạn đừng hi vọng mình sẽ chỉ cho các bạn chi tiết bạn phải làm gì.
Mình cần các bạn dùng cái đầu để nghĩ để hiểu mặt sự thật về cái xã hội nơi các bạn đang sống, một khi hiểu được nó bạn sẽ tự biết mình phải làm gì. Mình chỉ mong rằng bạn:
Đừng đi vào vết xe đổ của đa số sinh viên Việt Nam sau khi ra trường: thiếu kinh nghiệm, thiếu kỹ năng giao tiếp và mù tịt tiếng anh.
Đừng để người khác nghĩ bạn là một con gà có mỗi một cái tấm bằng đại học để thể hiện giá trị.
Đừng sống cuộc đời của người khác, hay cuộc đời bố mẹ tự vạch ra cho mình vì mỗi chúng ta may mắn và công bằng là ai cũng có một cuộc sống riêng để kiểm soát và sống theo cách mình muốn.
Đừng tin tưởng vào bất cứ điều gì cho tới khi bạn thực sự nhìn thấy, nghe thấy, động và chạm được vào nó. Thứ duy nhất bạn có thể tin tưởng là chính bản thân mình.
Đừng bao giờ lãng phí tài năng của mình, hãy hành động để khai phá nó và bạn giỏi hơn những gì bạn nghĩ.
Và Cuối cùng đừng có lười mãi nữa, nhấc mông lên và làm thôi :D

*Featured image: Laceupyourshoes

Khi học thêm là một mốt (P1)

Khi học thêm là một mốt (P1)
Phần 1: Chế độ lương bổng
Người ta vẫn kêu ầm trời vì chuyện học thêm của tụi trẻ, nhưng người ta vẫn cho con mình đi học..! Điều quan trọng, không phải học thêm là rất cần thiết, mà xuất hiện 1 tâm lý chung đó là: con người đi học thì con mình cũng phải đi học cho bằng bạn bằng bè, thậm chí có nhiều đứa đi học thêm chỉ để được cái “bằng khen học sinh giỏi”…
Chỉ vì ở nhà không có ai chơi, và cha mẹ thì đi làm tối mặt không có thời gian chơi với con, nên đến tuổi là ta tống chúng đi học…!! Cấp 3 cấp 2 đi học, thậm chí cấp 1 cũng học tối mặt…! Chúng ta giáo dục con cái trở thành người bình thường hay trở thành những thiên tài khi luôn ép chúng ăn học, ngủ học…! Xin thưa, Einstein ngày xưa chẳng cần phải đi học thêm mà ông cũng trở thành một trong những nhà bác học lớn nhất mọi thời đại…! Rõ ràng, chúng ta đang rất sai lầm, khi đẩy con mình đi học thêm ngay từ khi chúng còn học cấp I.
Tất nhiên, sự sai lầm trên xảy đến không phải ngẫu nhiên, mà nguyên nhân lại chính là do nền giáo dục được định hướng và chế độ lương bổng cho giáo viên.!
Báo chí đã một đợt rộ lên thông tin những giáo viên ở vùng cao lên lớp chỉ với vài trăm ngàn tiền lương một tháng. Điều này hẳn khá phổ biến, và xin hỏi, lương tháng vài trăm ngàn thì đi dạy để làm gì, khi dạy cả tháng mà chẳng đủ mua một cái vé xem ca nhạc Nhà Hát Lớn.!
Đừng nghĩ thành phố khá hơn, trung bình lương giáo viên phổ thông không gồm dạy thêm chỉ cỡ 3 triệu/ tháng, trong khi trả lương con Osin 3 triệu, và nhịn mọi thứ…! Tôi chưa nghe thấy hiện tượng nào ở ta dạy học mà lương cứng được 1 ngàn đô, bằng lương thằng cắt cỏ ở Tư Bản, thậm chí ăn xin bên Úc…vứt cho nó dưới 10 đô nó còn không thèm lấy..!
Học sinh vẫn đồn thu nhập của giáo viên là khá cao, trung bình cũng vào cơ 1 ngàn đến hơn ngàn đô Mỹ, xin thưa: Dạy thêm sủi bọt mép.!
Vì chế độ lương bổng quá hẹp hòi, buộc lòng giáo viên phải nghĩ đến làm những công việc tay trái để kiếm thêm thu nhập, khi xăng và điện tăng tỉ lệ thuận với nhau, chưa kể những khoản chi tiêu khác trong gia đình..! Tất nhiên, nghề tay trái của họ không gì khác là dạy thêm…!
Dạy thêm, nhưng thu nhập cũng chỉ vào cỡ ngàn đô/ tháng, vẫn là cái giá quá rẻ cho quá trình bán cháo phổi, và bán chất xám…! Đáng lẽ, nghành giáo dục và y tế, phải được trả mức lương cao nhất trong xã hội..! Bởi ai cũng yêu cầu nhiệt huyết, mà nhiệt huyết lại được củng cố từ dạ dày.
Hãy thử tưởng tượng, với lương tháng trung bình giáo viên tiểu học ở những nước phát triển vào cỡ 45 ngàn đô/ năm, là cỡ 3 ngàn đô/ tháng trong khi số học sinh trung bình của họ chỉ vào cỡ 21 học sinh thì những giáo viên này liệu có phải dạy thêm? Chắc chắn không.
Cơ chế bắt buộc giáo viên phải dạy thêm, đừng đổ lỗi cho họ, khi họ để dành kiến thức về nhà dạy.! MÀ TẤT CẢ LÀ DO CƠ CHẾ.
Đừng đổ lỗi cho họ, khi họ ưu ái em này vì đi học thêm, thay vì em kia không đi học thêm. Mà TẤT CẢ LÀ DO CƠ CHẾ.
Xin đừng bao giờ đổ lỗi, bởi nghề giáo xứ ta đáng thương và đáng được yêu.
Bộ GDĐT trả lương thì thấp, vậy mà lại cấm dạy thêm và yêu cầu giáo viên nhiệt huyết…!! Điều này hoang đường như cái thiên đường CS được ông Mác ăn bám vợ, ngồi lì trong thư viện viết ra…

Vương Thị Hân Hoan

5 mức dốt của con người


5 mức dốt của con người
Trích: Hàng trăm năm sau, cao nhân Phillip G. Armour người Mỹ nói về vấn đề tri thức bằng mô hình 5 mức dốt. Tôi thấy mình may mắn vì thời sinh viên đã vô tình đọc được bài này, nhờ đó khống chế sự kiêu ngạo của bản thân và thúc đẩy quá trình nhận thức của chính mình. 

Người Arab từ xưa có nói như thế này:
Ai không biết mà không biết là mình không biết là thằng ngốc, hãy tránh xa hắn.
Ai không biết mà biết là mình không biết là chưa được học, hãy dạy dỗ hắn.
Ai biết mà không biết là mình biết là đang ngủ quên, hãy đánh thức hắn.
Ai biết mà biết là mình biết là người đã được khai sáng, hãy đi theo hắn.
Hàng trăm năm sau, cao nhân Phillip G. Armour người Mỹ nói về vấn đề tri thức bằng mô hình 5 mức dốt. Tôi thấy mình may mắn vì thời sinh viên đã vô tình đọc được bài này, nhờ đó khống chế sự kiêu ngạo của bản thân và thúc đẩy quá trình nhận thức của chính mình. Giờ tôi phỏng dịch nội dung đó cho mọi người cùng đọc. Tôi nghĩ nó rất quan trọng cho việc phát triển bản thân nên dịch ra cho bạn bè cùng xem, rất mong ai đọc bài này lần đầu thì share cho mọi người khác đọc cùng, đỡ phí.

Mức dốt 0: Không dốt

Tôi “không dốt” khi “tôi chứng minh được là tôi biết” vấn đề đó.
… và có thể thể hiện sự không dốt bằng một hình thức rõ ràng, ví dụ tôi xây dựng nên 1 thứ đáp ứng được nhu cầu của xã hội. Nếu không chứng minh được một cách rõ ràng thì chẳng qua là tôi ảo tưởng hoặc tự huyễn hoặc là mình có tri thức.

Mức dốt 1: Thiếu hiểu biết

Tôi “thiếu hiểu biết” khi “tôi không biết” vấn đề đó
… nhưng tôi biết rõ là tôi không biết. Biết là không biết cũng là 1 hình thức của hiểu biết. Nhờ biết là không biết, tôi có cơ hội tìm hiểu về nó khi sự hiểu biết này trở nên cần thiết cho cuộc sống.

Mức dốt 2: Thiếu ý thức

Tôi “thiếu ý thức” khi “tôi không biết là tôi không biết” về vấn đề đó.
… không chỉ dốt mà tôi còn không nhận thức được về sự tồn tại của vấn đề.

Mức dốt 3: Thiếu phương pháp

Tôi “thiếu phương pháp” khi tôi không biết cách nào đủ hiệu quả để biết là mình “thiếu ý thức”.
… đủ để tôi tiến tới xóa bỏ tình trạng thiếu ý thức của mình. Đây là tình trạng nguy hiểm, nó đẻ ra sự kiêu ngạo, không thèm nể người có hiểu biết, vì tự coi mình cũng bằng người ta.

Mức dốt 4: Dốt đặc

Tôi “dốt đặc” khi tôi không biết về các mức ngu dốt. May quá bạn đọc bài này sẽ không còn ở mức dốt đặc nữa.

Bình luận thêm:

“Không dốt” là trạng thái rất khó đạt được, dù ở lĩnh vực nào đi chăng nữa.
“Thiếu hiểu biết” không phải là dễ mà đạt được, phải có kiến thức sâu và rộng thì mới biết đến sự tồn tại của vấn đề.
“Thiếu ý thức” là trạng thái của một người đang đi tìm kiếm tri thức. Chỉ đi tìm thì đến khi biết đến sự tồn tại của 1 vấn đề, bạn mới biết là trước đây mình còn không có ý thức về sự tồn tại nó. Trong cuộc đời, có những giai đoạn bạn liên tục khám phá ra những chủ đề hoàn toàn mới. Đó là dấu hiệu tốt, mặc dù chắc chắn là bạn vẫn còn rất “dốt”, nhưng nếu cứ giữ thái độ cầu thị, vài năm sau bạn sẽ có ý thức về sự tồn tại của những vấn đề quan trọng. Khi đó tốc độ khám phá chủ đề mới sẽ chậm lại, và mặc dù bạn vẫn chưa có hiểu biết rõ ràng về các vấn đề cũng như cách giải quyết nó, nhưng bạn đã trở thành 1 người rất đáng nể.
“Thiếu phương pháp” là trạng thái tồi tệ, nhưng đa số những người thông minh và giỏi giang vẫn sẽ bị kẹt cứng ở trạng thái này một thời gian rất dài, hoặc kẹt suốt đời.

*Photo: rstrawser

Thứ Bảy, 2 tháng 11, 2013

Đắc Nhân Tâm không phải là một nghệ thuật


Đắc Nhân Tâm không phải là một nghệ thuật

 Photo: gkwok
Đắc Nhân Tâm nghĩa là gì?
Theo một câu trả lời đã đọc được mà tôi cho là hay thì : « Đắc nghĩa là được; nhân là người, tâm là tim; nhân tâm là tim người. Như vậy, “đắc nhân tâm” là nghệ thuật chinh phục trái tim của người đối thoại với mình. »
Lại hỏi, nghệ thuật là gì ?
Theo Wiki : Nghệ thuật là nơi cao nhất tập trung mối quan hệ thẩm mỹ của con người đối với hiện thực. Nói đến nghệ thuật là nói đến cái đẹp. Cái gì không đẹp không thể là nghệ thuật. (1)
Trong chúng ta chắc ai cũng từng nghe qua 3 chữ  ”Đắc Nhân Tâm”, hoặc đã từng đọc qua quyển “Đắc Nhân Tâm” do học giả Nguyễn Hiến Lê dịch. Ồ, nghe hay thật, trong cuộc sống, ai mà chẳng muốn chinh phục được trái tim của người đối thoại của mình, phải không ?
Có rất nhiều người đã từng đọc quyển sách trên, cũng có rất nhiều người học chinh phục lòng người bằng nhiều cách khác như : khả năng bẩm sinh, bằng trí thông minh đoán biết, bằng trực giác, bằng cách học hỏi, bằng tình cảm, vân vân…
Có rất nhiều người đã thành công – trên cách hiểu là họ đã áp dụng và đạt được trơn tru ý muốn của mình nhờ vào thuật này. Nhưng, có gì đó không ổn. Tôi vẫn thấy có gì đó không ổn dù đã đạt được. Bạn có thấy vậy không ? Người ta thường nói, môi trường nào cũng có những mặt tiêu cực. Hãy lắng nghe xem là gì, vì tôi không phải là người cầu toàn một chút xíu nào khi để ý đến điều này.
Ngoài lề một chút thế này, một người tên Châu Chấu (2) trên website youtube đã nói : “Đạo đức rất quan trọng. Nếu như tri thức là một cổ xe, thì đạo đức là vô lăng ; nếu như tri thức là chiến mã, thì đạo đức là dây cương. Với đạo đức, tri thức sẽ được hướng thiện. Một người không có tri thức cùng lắm là gây hại một cách vô ý. Một người không có đạo đức thì cố ý hại người khác, thì tạt axit, thì tấn công bằng boom nguyên tử”.
Tôi sẽ chế lại thế này : Một người không biết đến nghệ thuật đắc nhân tâm (tri thức), cùng lắm là gây hại một cách vô ý. Một người biết về nghệ thuật đắc nhân tâm (nhưng không có đạo đức) thì cố ý gây hại cho người khác, thì gài bẫy, thì đặt vỏ chuối, thì chọi cùi bắp vào đầu người khác… ^^
Đùa chút vui…
Quay lại số người đã thử và thành công với thuật Đắc Nhân Tâm, trong số đó, tôi cảm thấy chỉ một số rất ít có thể gọi là thực sự “hiểu được” nghệ thuật chinh phục lòng người. Tại sao tôi nói vậy ? Vì khi ông Dale Carnegie viết ra quyển sách này. Cái ông ấy muốn, không phải là sự chinh phục lòng người bề mặt. Cái ông ấy muốn không phải là “tỏ ra”, hay “cố gắng nhã nhặn”, giả tạo để qua mặt người khác, để “chạy việc” cho chính bản thân mình.
Khi ông ta nói đến nghệ thuật, nghĩa là nó phải vươn đến tầm “cái đẹp”. Mà như thế nào là đẹp ? Là thực sự quý trọng, yêu thương và quan tâm người khác. Khi ông ta viết những phương pháp như : lắng nghe, tìm hiểu về sở thích của người khác, sử dụng cách nói chuyện nhã nhặn, hãy khen ngợi người khác nhiều hơn… Ông ta không có ý nói rằng, hãy dùng “cách thức” đó để thuần phục một con sư tử rồi sau đó tóm cổ và xích nó vào chuồng. Nghệ thuật của ông ta, tuy không được nói ra, nhưng nó đã ngầm nói lên cái cốt lõi rằng : Hãy thực sự, thật tâm bỏ đi cái tôi của mình, để quan tâm nhiều hơn đến người khác.
Tại sao tôi lại nghĩ rằng, rất ít người thực sự đạt được trình đột nghệ thuật đó. Các bạn cứ bước ra đường sẽ thấy mà thôi. “Hầu như” tất cả cách thức chúng ta đang làm, là “cố ý lấy lòng” người khác. Đằng sau cái vẻ nhã nhặn, cái vẻ hòa đồng đó, cái vẻ nhịn nhục đó, cái sự quan tâm đó, cái ước muốn người khác đừng giận mình nữa, cái ước muốn được lòng khách hàng để họ đem đến lợi nhuận cho mình…chẳng qua là để đạt được một lợi ích công việc mà thôi (vì sao là công việc ? Vì khi suy tính, mọi thứ đều là công việc).
Đèo móc với đoạn của Châu Chấu, chúng ta sẽ suy luận ra rằng, bất cứ kẻ nào có mưu đồ, ý muốn và đạo đức kém một khi luyện đến mức tinh xảo các khả năng trong quyển sách Đắc Nhân Tâm (đại diện cho tri thức) sẽ chắc chắn dẫn đến một đại họa cho những người xung quanh, đó chính là lừa đảo – tùy mức độ. Giảm mức độ đi một chút, chúng ta sẽ có vô số anh chàng đi cưa cẩm và dụ dỗ gái hay phụ nữ, bằng cái vẻ hình thức giả tạo. Chúng ta sẽ có vô số các cô phụ nữ nói chuyện thật duyên dáng và thông minh, đằng sau đó là những suy tính chẳng khác nào mụ cáo 9 đuôi. Chúng ta sẽ có những người phục vụ, những doanh nhân không thật lòng (đương nhiên là sẽ nói xấu hoặc lường gạt khách hàng bất cứ lúc nào nếu không thích) khi áp dụng “nghệ thuật” này…
Trong cuộc sống hàng ngày, tôi dám cá, mỗi khi chúng ta giận dỗi nhau hay chúng ta muốn đạt được một điều gì đó…Với những kẻ thông minh, một vài hoặc tất cả trong số chúng ta một khi đã nắm được các phương pháp này sẽ trở nên cực kỳ giả tạo và rỗng tuếch. Chúng ta sẽ hứng chí lên lau nhà cho mẹ, và sau đó, đổi lại mẹ sẽ cho con chút tiền đi bấm điện tử. Chúng ta sẽ nói ngọt và và ngồi chia sẻ, tám chuyện tùm lum tùm la vì thằng kia hay con kia đang giận mình mấy ngày hôm nay. Chúng ta sẽ nói chuyện thân thiện với thầy, để sau này được một xíu ưu ái…
Giấy thì làm sao gói được lửa, nhưng vàng thật thì đếch sợ lửa đâu. Giả tạo thì trước sau gì người ta cũng biết, và mọi thứ xây nên sẽ bị đốt cháy, đốt luôn tờ giấy gói gém sự giả tạo. Còn đã thật lòng thì cóc sợ cái quái gì, vàng ném đi đâu người ta cũng thích cả thôi. Thế nên, hãy hiểu Đắc Nhân Tâm với đúng nghĩa của nó. Muốn đến được trái tim của người khác, thì phải thực sự lấy trái tim của mình, phát sóng lượng tử wifi qua cho người ta thì người ta mới nhận được các bạn ạ. Chỉ có từ trái tim mới đến được trái tim mà thôi…
Tôi thừa nhận mình là người khó tính, nhưng không phải là người cầu toàn. Những điều nói ở trên, tôi không muốn quơ đũa cả nắm, nếu bạn thuộc số ít kia thì tuyệt quá, nhưng phần đông là như thế, họ hiểu như thế. Tôi không phiến diện khi nói 2 từ “phần đông”, hãy cảm nhận đi, trước khi phản biện trong những comment bên dưới. Nếu không thì chúng ta có một Việt Nam như ngày hôm nay sao ?
À, khoan đã, tôi phải đính chính lại : Đắc Nhân Tâm là một nghệ thuật. Một nghệ thuật thực sự gắn với cái đẹp của loài người, của tính nhân bản, của sự vứt bỏ đi cái tôi – cái bản ngã, của tính thiện. Nó đúng nghĩa là Nghệ thuật khi người ta đối xử với nhau thật lòng và bằng trái tim. Lúc đó phương pháp và cách thức thể hiện sẽ như nàng công chúa được khoác thêm những bộ cánh lung linh. Wao, quá là đẹp… Cái nghệ thuật này, nó khác hẳn với 2 từ nghệ thuật mà mọi người thường hiểu chưa tới như cái tiêu đề câu view của tôi.
Ngay bây giờ, nếu có thể, hãy thử đọc lại Đắc Nhân Tâm một lần nữa !
Vậy nhé,
Chào thân ái và quyết thắng !
-Lục Phong-
( 1) : Mỹ học

Hãy viết đi, đừng ngại!

Hãy viết đi, đừng ngại!
Photo: Brendan DeBrincat

Tôi không phủ nhận vai trò của sách vở.
Tôi không hạ thấp ý nghĩa từ những bài viết hay của mọi người.
Khi tâm trạng không tốt, bắt gặp một bài viết nào đó đánh được vào đúng nỗi đau của trái tim thì bỗng dưng ta thấy lòng mình rộn lên chút ánh sáng nơi bóng tối cô đơn.
Khi tâm trạng bế tắc mà vớ phải được một bài viết chỉ dẫn lối đi thì thực sự không còn gì tuyệt vời hơn để vỗ về bản thân.
Khi khoa học phát triển, internet đưa mọi người lại gần nhau hơn thì việc tìm kiếm một tác giả, một bài viết hay không còn là một vấn đề khó khăn.
Nhưng tôi nghĩ, bài viết dẫu hay cũng là chữ của người khác, cảm xúc có dạt dào thì cũng đến từ nơi nào đó xa xôi, gọi là đồng cảm nhưng không có nghĩa là cảm sâu tận đáy lòng ta mong muốn, vậy tại sao ta không tự viết ra chính những cảm xúc của mình nhỉ?
Bạn đổi lỗi cho văn kém, diễn đạt yếu?
Việc viết ra cảm xúc là để tâm trạng cân bằng chứ không phải là để làm một nhà văn thu hút đọc giả. Bạn cứ viết đi, viết hết ra những điều mình nghĩ, viết cả ra những thứ mình thích, cứ chấm, cứ phẩy ở những chỗ bạn muốn, đừng quá chú tâm đến những quy luật câu cú cứng nhắc của sách vở. Bạn cứ viết đi, viết những con chữ chực trào ra lúc bạn nghĩ, có thể nó chẳng liên quan gì đến nhau nhưng cảm xúc nào có logic, tâm trạng nào có sự chặt chẽ, đúng không?
Nghe tôi ..
Bạn cứ viết, viết cho xong, viết cho bằng hết rồi một lúc nào đó, khi mọi thứ trôi qua, bạn hãy dành thời gian đọc lại tất cả những gì mình viết, chắn chắn những con chữ ấy sẽ khiến bạn mỉm cười và tâm trạng bạn sẽ khá hơn.
Bạn không tin tôi ?
Vậy bạn cứ thử.
Đừng quá đặt nặng việc viết sao cho hay, viết sao cho thu hút mà chỉ nên quan tâm đến một điều duy nhất, đó là ý – muốn của bản thân. Sự ngắt quãng, cụt ngũn trong từng câu văn sẽ cho bạn thấy bạn đang hoang mang và bế tắc ra sao. Sự ngô nghê thiếu gắn kết trong từng con chữ sẽ khiến bạn bật cười vì những cảm xúc của bản thân khi đọc lại. Hãy tin tôi, sức mạnh của chữ viết tuyệt vời hơn những gì bạn nghĩ đấy!
Bạn đổ lỗi cho vốn ngôn từ kém nên không thể diễn đạt hết tâm tư.
KHÔNG!
Chỉ có những cảm xúc gượng ép mới không thể diễn đạt bằng con chữ.
Chỉ có những giả tạo mới khó viết nên lời.
Chỉ có những lừa dối, phản bội mới khiến tâm can dày xéo rồi giam cầm con chữ trong ray rứt.
Còn mọi thứ tình cảm, mọi tâm tư suy nghĩ đều có thể trải hết ra mặt giấy.
Không tin tôi sao?
Hãy thử đi!
Đừng lười nhác, đừng mặc cảm, đừng tự ti vào khả năng vận hành ngôn ngữ của mình.
Bởi dù hay dù dở, dù trôi chảy mạch lạc hay rời rạc cứng nhắc thì nó cũng là của bạn, chữ của bạn, cảm xúc của bạn và nỗi niềm của riêng bạn.
Đừng nghĩ mình là một nhà văn, đừng thất vọng nếu bạn viết chưa hay, đừng bỏ cuộc nếu bạn viết chưa tốt bởi chẳng có ai sinh ra đã văn hay chữ tốt, tất cả đều phải có thời gian trau dồi và trải nghiệm.
Đừng chau mày nhăn mặt khi tìm không ra từ để diễn tả ý muốn của mình bởi bạn có thể bắt đầu từ những điều đơn giản nhất. Hãy diễn tả cảm xúc của mình bằng sự chân thật chứ đừng cố gắng đánh bóng nó ở một bậc cao hơn.
Tôi ví dụ, nếu bạn thấy buồn, hãy bắt đầu bằng chữ “tôi buồn”, đừng cố gắng văn hoa nó theo lối “trời hôm nay xám xịt, một màn đêm u uất phủ kín không gian, bao trùm tâm trạng khiến mình cảm thấy buồn xa xăm.”
Hay, nếu bạn vui, chỉ cần diễn tả nó bằng hai từ “hạnh phúc”, đừng cố gắng “đoạn đường dài bao nhiêu chông gai, vui buồn rải khắp, bước qua bao nhiêu nỗi buồn rồi giờ mình mới thấm hạnh phúc nó ngọt ngào đến thế.”
Bạn thấy đấy, thật ra cảm xúc rất dễ diễn đạt, con chữ rất dễ điều khiển, cứ đi từ những điều đơn giản nhất, những cảm xúc chân thành nhất, những yêu thương bình dị nhất rồi bạn sẽ không còn cảm thấy lo lắng khi muốn diễn đạt tâm trạng của mình qua con chữ nữa.
Cứ thử đi, rồi bạn sẽ thấy những điều tôi nói không phải là lý thuyết suông.